Trending

Cuối tuần rảnh rỗi làm 7 món nhồi thơm nức mũi, ngửi là nước miếng chảy ròng ròng

Mỗi món ăn có sức hấp dẫn riêng, chỉ cần nhìn thấy thôi đã muốn ăn ngay rồi!

DẠ DÀY HEO NHỒI HÚNG CHÓ

Chuẩn bị:

– 1 cái dạ dày heo to, dày, có nhiều phần đen

– 10 ngọn rau húng quế

– 1 gói bột cà ri ông đầu bếp

– 1 ít tiêu hạt có tiêu xanh càng tốt

– 1 ít húng đỏ ăn kèm

– Hành khô 

– Gia vị: Muối, mì chính (tùy ý), nước mắm, hạt nêm (tùy ý)

Cách làm:

Bước 1: Làm sạch dạ dày

Dạ dày heo mua về muốn sạch, bạn có thể rửa như sau. Dùng dao lọc hết các phần mỡ thừa bám xung quanh dạ dày. Sau đó dùng kéo cắt nhẹ phần dạ dày và lộn mặt sau đó cắt bỏ hết tạp chất bên trong. Dùng dao cạo sạch phần vàng trên đầu dạ dày. 

Lộn mặt bên ngoài dạ dày để phần nhẵn hướng ra bên ngoài. Lưu ý, mùi hôi của dạ dày xuất phát từ chất nhầy nên chỉ cần làm sạch lớp chất nhầy này dạ dày sẽ không còn mùi khó chịu.

Cho dạ dày vào trong một cái nồi to hoặc chậu, rồi cho lượng bột mì thích hợp vào. Tốt nhất bạn nên rải đều bột mì này lên từng phần của dạ dày lợn và bắt đầu xoa đều tay, nhất là đối với mặt bên trong. Đối với phần dạ dày nhăn hơn, bạn cũng phải rắc thêm bột mì lên, rồi xoa mạnh tay. 

Lưu ý, khi lộn mặt trong của dạ dày, lúc rắc bột mì, nên cho thêm 3 muỗng canh dấm, 1 muỗng canh muối vào, bóp rồi để yên từ 1-2 phút. Giấm cũng giúp bột mì khử mùi hôi. Muối giúp khử trùng.

Nhiều người không hiểu tại sao lại dùng bột mì để rửa lòng lợn. Bột mì có khả năng hấp thu mạnh nên có thể hút sạch hết chất bẩn, nhờn bám trên dạ dày, còn giấm có tác dụng khử mùi tanh, muối khử trùng. Vì vậy khi rửa lòng lợn, bạn hãy cho bột mì và giấm và chút muối vào nhé.

Sau đó, rửa dạ dày với nước sạch vài lần là xong.

Bắc một nồi nước vừa, thêm muối trắng đun sôi thì cho dạ dày vào luộc khoảng 5 phút. Vớt ra rửa thật sạch rồi lộn phần có màng mỡ ra ngoài.

Bước 2: Nhồi rau húng quế

Rau húng quế rửa sạch nhồi căng vào dạ dày thêm tiêu và chút muối, dùng chỉ trắng khâu miệng dạ dày lại.

Bước 3: Luộc dạ dày

Cho dạ dày vào luộc với nước có muối, hành khô cả vỏ. Luộc sôi lửa vừa 35 phút.

Bước 4: Ướp dạ dày

Dạ dày luộc xong, vớt ra ướp với bột cà ri, nước mắm, hạt nêm, dầu ăn, tiêu xay trong 20 phút.

Bước 5: Nướng dạ dày

Làm nóng nồi chiên không dầu rồi cho dạ dày vào quay. Để nhiệt 200 độ C và kiểm tra liên tục. Vì dạ dày đã chín nên cho vào nồi chiên không dầu chỉ để làm vàng giòn mặt ngoài. Nhớ phết dầu ăn liên tục để tránh bị khô.

Khi dạ dày đã vàng đều 2 mặt thì mang thái ăn nóng. Dạ dày nhồi húng quế nướng chấm với muối tiêu chanh hoặc mắm tôm kèm húng quế, húng đỏ vô cùng hấp dẫn. Dạ dày nướng thơm nức, giòn giòn quyện lẫn mùi thơm của húng quế quyến rũ vô cùng, chẳng ai có thể cưỡng lại được!

Cuối tuần rảnh rỗi làm 7 món nhồi thơm nức mũi, ngửi là nước miếng chảy ròng ròng - 1

NẤM NHỒI THỊT HẤP

Nguyên liệu:

– 10 cái nấm đông cô khô

– 200g thịt lợn băm nhỏ

– 20g tôm khô

– 3 củ mã thầy (không có cũng được)

– Rau mùi xắt nhỏ

– Tinh bột ngô vừa đủ

– Muối tiêu vừa ăn

– Gia vị ướp thịt: 1 muỗng cà phê rượu nấu ăn; 1 muỗng cà phê xì dầu, 1 muồng cà phê đường, 1 muỗng cà phê dầu mè, 1 muỗng cà phê bột bắp; hạt tiêu

Cách làm:

Ngâm nấm trong nước cho mềm, bỏ chân nấm, để lại nước ngâm nấm.

Tôm khô ngâm mềm, xắt nhỏ.

Tỏi bỏ vỏ, băm nhỏ. Mã thầy gọt vỏ, băm nhỏ.

Thịt lợn cho thêm rượu nấu ăn, xì dầu, đường, dầu mè, bột ngô, hạt tiêu vào ướp trong 20 phút.

Rắc một ít bột gạo nếp vào mũ nấm sau đó nhồi thịt vào.

Đun sôi nồi nước rồi cho nấm vào hấp trong 10 phút là chín.

Chuẩn bị 1 chảo, cho nước nấm, muối, hạt tiêu, bột bắp, đường vào, đun sôi. Vừa đun vừa khuấy.

Sau đó, rưới lên nấm trước khi ăn. Rắc một ít rau mùi lên rồi thưởng thức!

Cuối tuần rảnh rỗi làm 7 món nhồi thơm nức mũi, ngửi là nước miếng chảy ròng ròng - 3

CỔ NGAN NHỒI THỊT RÁN

Cắt hết phần cổ ngan, bỏ phần đầu, lộn lấy phần da và xương cổ để riêng. Trong lúc lột tránh để phần da cổ bị rách hoặc thủng. Cắt hết phần mỡ, hạch… nếu có ở cả phần da và xương cổ, bóc tách, lộn trong ngoài cho thật sạch. Phần da cổ nhặt lại lông tơ, bóp với chút dấm hoặc chanh và muối, rửa lại cho sạch để ráo nước.

Chuẩn bị: 150gr thịt ba chỉ xay nhỏ (phần thịt có nhiều mỡ tránh bị khô). Các loại rau húng chó, mùi tàu, hành lá thái nhỏ. Phần xương cổ ngan dùng chày dần qua rồi băm thật nhuyễn. Trộn thịt lợn xay với phần cổ ngan băm nhuyễn, các loại rau thơm, 1/2 thìa cà phê hạt tiêu, 1 thìa cà phê bột nêm, 1 thìa cà phê bột canh. Trộn thật đều các nguyên liệu.

Muốn ăn thêm lạc hoặc đậu xanh rang chín thì cho thêm vào. Dùng kim chỉ khâu chặt một đầu da cổ ngan lại, vì phần da cổ ngan ngắn nên dùng chỉ khâu sẽ tiết kiệm được phần da và khi hấp, rán không bị bục.

Nhồi phần hỗ hợp đã trộn trên vào trong da cổ ngan như nhồi lòng lợn, sau đó lại dùng kim chỉ khâu nốt phần mép còn lại. Dùng luôn cây kim, chọc xung quanh phần cổ ngan đã nhồi xong để khi hấp hơi nước từ đó thoát ra ngoài. Đem đi hấp trong 15 phút, để nguội bớt cho lên chảo chiên vàng các mặt (nhớ để lửa nhỏ vì cổ ngan căng ra nên rất nhanh chín vàng), để lửa to dễ bị cháy, để nguội cắt khoanh tròn vừa ăn, bày ra đĩa cùng rau sống.

Cuối tuần rảnh rỗi làm 7 món nhồi thơm nức mũi, ngửi là nước miếng chảy ròng ròng - 4

DỒI SỤN NƯỚNG

Nguyên liệu:

– Lòng non: 200g

– Thịt dăm xay: 200g

– Sụn non: 400gr

– Mỡ phần: 100g

– Dầu điều

– Lạc rang giã nhỏ

– Đậu xanh cà vỏ rang: 30g

– Rau húng quế: 1 bó thái nhỏ

– Hành lá: 3-4 cây thái nhỏ

– Gia vị: 1 thìa tiêu, 3 thìa nước nắm, 1 thìa hạt nêm, 1 thìa mì chính, 1/2 thìa đường, 2 thìa dầu điều (ngoài ra mọi người gia giảm thêm để phù hợp với nhà mình nhé).

Cách làm:

– Lòng non xát chanh muối rửa sạch đến khi không còn nước đục.

– Trộn tất cả các nguyên liệu cùng gia vị ướp 30 phút.

– Cắt đầu chai nước để làm phễu. Lần lượt nhồi hỗn hợp vào lòng non. Lấy chỉ buộc theo kích cỡ tuỳ ý.

– Cho dồi vào lúc còn nước lạnh, luộc 5 phút (trong khi luộc dùng tăm đâm để dồi không bị bục), tắt bếp ủ thêm 5 phút.

– Cho vào nồi chiên không dầu nướng 180 độ 7 phút. Sau đó quét dầu điều nướng mỗi mặt 5-10 phút ở nhiệt 200 độ đến khi vàng thơm (có thể nướng trên than hoa hoặc đem rán).

Thưởng thức món dồi sụn nướng với tương ớt, ăn kèm rau húng quế đảm bảo hấp dẫn vô cùng. Nếu không có nồi chiên không dầu, bạn có thể nướng bằng than hoa hoặc lò nướng.

Cuối tuần rảnh rỗi làm 7 món nhồi thơm nức mũi, ngửi là nước miếng chảy ròng ròng - 5

ĐẬU BẮP NHỒI THỊT

Nguyên liệu:

– 9 quả đậu bắp, chọn quả bánh tẻ, đều nhau

– 80 g thịt, 4 nấm hương khô, 5g mộc nhĩ, 2 thìa tinh bột ngô, 3 thìa nước tương, 1 thìa dầu hào, lượng muối thích hợp

Cách làm:

Ngâm nấm hương khô và mộc nhĩ với nước cho mềm rồi cắt bỏ rễ, sau đó thái nhỏ.

Thịt lợn sau khi rửa sạch đem băm hoặc xay nhỏ. Cho thịt, mộc nhĩ nấm hương đã băm nhỏ vào chung với nhau, thêm một lượng muối thích hợp, 2 nước tương, 2 thìa tinh bột, khuấy theo một chiều cho đến khi sệt lại.

Đậu bắp rửa sạch, bỏ cuống, cắt làm đôi, lấy hạt đậu bắp ra, rửa sạch một lần nữa. Hạt đậu bắp rất bổ dưỡng nên bạn đừng bỏ đi nhé.

Cho hạt đậu bắp vào nhân thịt, đảo đều rồi nhồi lần lượt vào đậu bắp. Lưu ý, nhồi cho thật chắc rồi xếp đậu bắp nhồi thịt lên đĩa sâu lòng. 

Cho đĩa vào nồi hấp 10 phút. 

Sau 10 phút, đổ nước từ đĩa đậu bắp ra, cho một ít tinh bột, một thìa xì dầu, 1 thìa dầu hào vào, khuấy đều. Cho lên bếp đun sôi cho sệt lại rồi rưới đều lên đĩa đậu bắp nhồi thịt. 

Món ăn không chỉ ngon, thanh mát mà còn rất bổ dưỡng.

Cuối tuần rảnh rỗi làm 7 món nhồi thơm nức mũi, ngửi là nước miếng chảy ròng ròng - 6

ĐẬU NHỒI THỊT

Chuẩn bị:

– 10 miếng đậu vuông rán vàng, 100 gam thịt lợn, 50g khoai môn bào sợi nhỏ, 1 thìa dầu hào, 1 thìa nước tương nhạt, 1 thìa cà phê muối, 2 thìa cà phê tinh bột, lượng hành lá vừa đủ.

Cách làm:

Bước 1: Ướp thịt lợn

– Băm nhỏ phần thịt nạc dăm, cho dầu hào, muối và tinh bột vào trộn đều.

Bước 2: Xào khoai môn

– Khoai môn gọt vỏ, bào sợi nhỏ, cho một ít dầu ăn vào chảo, đổ khoai môn bào sợi vào xào trên lửa vừa đến khi chín 80%, có mùi thơm tỏa ra. 

Bước 3: Nhồi đậu

– Cho khoai môn đã được xào cùng với thịt, đảo đều.

– Khoét lỗ trên miếng đậu, sau đó dùng ngón tay nhẹ nhàng nới đều miếng đậu để tạo điều kiện nhồi được nhiều thịt vào hơn.

– Nhồi thịt băm đã ướp gia vị vào, nhồi đầy rồi dùng thìa miết để thịt bám chặt hơn vào miếng đậu. 

Bước 4: Hấp đậu nhồi

– Đun sôi 1 nồi nước. Sau khi nước sôi thì đem đĩa đậu hấp trên lửa lớn trong 15 phút. 

– Hòa thêm xíu tinh bột cùng nước tương nhạt, rưới đều lên đĩa bột, hấp thêm một chút là xong.

Bạn có thể rắc thêm rau mùi hoặc hành lá thái nhỏ cho thơm.

Đảm bảo món ăn này sẽ có sự đột phá về hương vị, khiến ai cũng phải bất ngờ vì quá ngon!

Cuối tuần rảnh rỗi làm 7 món nhồi thơm nức mũi, ngửi là nước miếng chảy ròng ròng - 7

MỰC NHỒI CƠM

Nguyên liệu:

– 2 con mực ống, làm sạch

– 150g gạo, đãi sạch, cho vào nồi cơm điện, ngâm thêm 15 phút

– 150ml nước

– 10 tép tỏi, bóc vỏ. Đem mài nhuyễn 2 tép tỏi, còn lại giữ nguyên

– 50g sốt teryaki

– Mayonnaise vừa đủ

– Vừng trắng

– 1 muỗng canh nước dùng gà

Cách làm:

Cho những tép tỏi chưa mài vào nồi cơm điện cùng 1 muỗng canh nước dùng gà, nấu chín cơm.

Làm nóng lò nướng ở nhiệt độ 180 độ C.

Cho chỗ tỏi mài nhuyễn vào sốt teryaki, khuấy đều.

Dùng giấy thấm khô mực rồi nhồi cơm đã nấu chín vào.

Xếp mực lên khay đã bọc giấy bạc. dùng cọ phết sốt teryaki lên mực. Sau đó cho khay mực vào lò, nướng 5 phút.

Cho khay mực ra, tiếp tục phết sốt lên rồi lại nướng thêm 10 phút hoặc cho đến khi chín.

Cho mực nhồi cơm nướng ra, thái miếng vừa ăn.

Bóp mayonnaise và rắc vừng trắng lên rồi thưởng thức!

Cuối tuần rảnh rỗi làm 7 món nhồi thơm nức mũi, ngửi là nước miếng chảy ròng ròng - 8

Chúc các bạn thành công!

Nguồn: http://thoidaiplus.suckhoedoisong.vn/cuoi-tuan-ranh-roi-lam-7-mon-nhoi-thom-nuc-mui-ngu…

Theo Minh Ngọc (Tổng hợp) (thoidaiplus.suckhoedoisong.vn)

Post a Comment

Previous Post Next Post